Giới thiệu chung

Trong các năm 1995-1997, lãnh đạo hai trường đã có những chuyến thăm và làm việc trao đổi khả năng hợp tác giữa hai trường. Đầu năm 1998 trường Đại học Hà Nội đã xây dựng đề án hợp tác với Đại học Victoria (VU) trình Bộ Giáo dục và Đào tạo và tháng 4/1998 Bộ GD-ĐT đã có văn bản số 2946/QHQT, ngày 18/4/1998 cho phép trường Đại học Hà Nội "thực thi chương trình đào tạo tiếng Anh cấp đại học và sau đại học với Trường Đại học công nghệ Victoria (VUT)", nay là Đại học Victoria (VU).

Image

Lễ trao bằng tốt nghiệp - Chương trình liên kết đào tạo VU-HANU

Ngay sau khi được phép của Bộ GD-ĐT Việt Nam, hai trường đã bắt tay ngay vào việc xây dựng chương trình, chuẩn bị đội ngũ giảng viên, phân công phân nhiệm để tiến tới chiêu sinh khóa Thạc sỹ, chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh (MTESOL) đầu tiên vào đầu năm 1999 ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với số lượng khá khiêm tốn: 12 học viên ở Hà Nội và 20 học viên ở Tp. Hồ Chí Minh (đặt lớp tại Trung tâm SEAMEO khu vực).

Điều kiện xét tuyển vào Chương trình MTESOL: Chương trình MTESOL dành cho những giáo viên tiếng Anh trong đó hầu hết ở các trường cao đẳng và đại học trên cả nước, có ít nhất hai năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh và có năng lực tiếng Anh 6.5-7.0 IELTS (tiếng Anh quốc tế). Chương trình gồm hai năm, năm đầu là Graduate Diploma (Grad. Dip) và năm sau là Master. Nếu ứng viên đã theo học Grad Dip ở nước ngoài (Singapore, Ôxtrâylia, ...) hoặc ở Khoa Sau đại học của ĐH Hà Nội và Viện ĐH Mở Tp. Hồ Chí Minh là hai cơ sở được phía VU công nhận chương trình tương đương thì sẽ được phép học liên thông lên Chương trình MTESOL của ĐH Victoria.

Chương trình MTESOL ngày càng thu hút đông đảo học viên bởi tính thực tiễn và linh hoạt của nó. Số học viên đăng ký theo học chương trình MTESOL ở hai thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ngày một tăng. Mỗi năm ĐH Victoria tuyển 100-120 ở mỗi thành phố. ĐH Victoria tuyển sinh hai lần, vào Tháng 1 và Tháng 9, tạo điều kiện cho ứng viên linh hoạt bố trí công việc để có thể theo học vào thời gian thích hợp. Mỗi môn học được bố trí giảng dạy trong hai tuần và không ảnh hưởng tới công việc chung và nhiệm vụ của học viên.

Sau khi được xét tuyển, các học viên sẽ được cấp mã số và thẻ và thực hiện mọi quyền lợi, nghĩa vụ với tư cách là “học viên quốc tế”. Toàn bộ các môn học đều do giảng viên của Đại học Victoria thiết kế và giảng dạy đặc biệt chú trọng tới những kiến thức mới nhất về phương pháp nghiên cứu, phương pháp giảng dạy tiếng Anh, thiết kế chương trình, bài giảng, viết bài và tiểu luận cũng như khóa luận, kỹ năng thuyết trình. Quy trình kiểm tra, đánh giá và quản lý chất lượng đào tạo cũng được tuân thủ theo quy định và thông lệ của Ôxtrâylia. Tham gia khóa đào tạo nói trên, học viên được sử dụng hệ thống phòng học có trang thiết bị hiện đại, thư viện điện tử với hơn 250 máy trạm nối mạng internet, được truy cập vào cổng thư viện của Đại học Victoria, cơ sở dữ liệu thông tin khoa học Proquest và 27.500 đầu sách, hơn 2.000 băng, đĩa phục vụ công tác học tập, nghiên cứu.

Đến năm 2009, đã có gần 700 học viên tốt nghiệp và lấy bằng MTESOL của ĐH Victoria và hiện đang có trên 200 học viên đang theo học chương trình này. Sau khi hoàn thành chương trình, nếu có điều kiện học viên có thể đăng ký dự Lễ tốt nghiệp vào Tháng 10 hàng năm tại ĐH Victoria, Melbourne hoặc tại Kualar Lumpur, Ma-lai-xia vào Tháng 5 hàng năm.

Thành công của chương trình hợp tác giữa ĐH Hà Nội và ĐH Victoria trong 18 năm qua trước hết là do cam kết của lãnh đạo hai trường, của các đơn vị chức năng, của tập thể đội ngũ giảng viên và anh chị em học viên.

Lãnh đạo hai trường và điều phối viên chương trình thường xuyên có những chuyến thăm và làm việc, xem xét  nội dung và tính khả thi của chương trình và kịp thời rút kinh nghiệm để chương trình thực sự có hiệu quả, mang tĩnh thực tiễn cao, phục vụ nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng và trình độ chuyên môn ngày càng tăng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam.

Image

Đoàn cán bộ lãnh đạo thăm và làm việc tại Đại học Victoria

Chuyến thăm và làm việc tại ĐH Victoria của PGS, TSKH. Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng ĐH Hà Nội và đoàn đại biểu của Trường vừa qua khẳng định mong muốn hợp tác lâu dài giữa hai trường. Ngoài chương trình MTESOL đã thực hiện trong nhiều năm qua, lãnh đạo hai trường đã thống nhất mở rộng hợp tác ở các lĩnh vực khác như QTKD, Du lịch, CNTT và Truyền thông trong tương lai. Đã có những trao đổi ban đầu giữa lãnh đạo các khoa liên quan của hai trường về lộ trình thực hiện hợp tác ở các lĩnh vực nói trên.

Có thể nói chương trình MTESOL với ĐH Vicotria là mô hình tiêu biểu của hợp tác đào tạo giữa ĐH Hà Nội với các đối tác nước ngoài. Hình thức du học tại chỗ này mang lại nhiều lợi ích cho người học, ngày càng khẳng định chất lượng và hiệu quả của nó.

Last modified: Tuesday, 21 February 2017, 8:20 AM