Tuyển sinh sau đại học đi học nước ngoài:

Bộ Giáo dục & Đào tạo uỷ nhiệm cho 18 Trường đại học tổ chức việc thi tuyển sau đại học ngoài nước. Chỉ tiêu tuyển chọn đào tạo ở nước ngoài sẽ được phân bổ cho từng trường tổ chức thi theo nguyên tắc:

  • Chỉ tiêu phân bổ cho mỗi trường là chung cho nhóm ngành/ chuyên ngành.
  • Không hạn chế số lượng thí sinh dự thi.
  • Thí sinh được đăng ký một nước đến học.
  • Xét tuyển theo tổng điểm các môn thi, (xem mục các môn thi, không có môn ngoại ngữ), lấy từ cao xuống đến hết chỉ tiêu phân bổ cho Trường.

Tuyển sinh đại học đi học nước ngoài:

  • Các tiêu chuẩn về điểm trung bình chung học tập học kỳ I, loại giỏi khi học trung học phổ thông, trình độ ngoại ngữ, thành tích thi quốc tế hoặc quốc gia (nếu có), công tác xã hội (nếu có) được quy định thành điểm. Xét theo tổng các điểm quy định từ cao xuống đến hết chỉ tiêu phân cho ngành đào tạo (không phân bổ chỉ tiêu theo các trường)
  • Không hạn chế số lượng thí sinh dự thi.
  • Thí sinh được đăng ký một nước đến học.

Một số điểm chú ý:

  • Thí sinh đi học sau đại học tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (Đề án 322) đăng ký dự thi tại một trong 18 đơn vị thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo uỷ nhiệm tổ chức thi và giao chỉ tiêu tuyển chọn tương ứng với chuyên ngành đăng ký dự thi. Nếu muốn biết thêm chi tiết, xin liên hệ Văn phòng Ban Điều hành các Đề án đào tạo tại nước ngoài để có hướng dẫn cụ thể. Danh sách các Trường tổ chức thi xem trong danh mục “Trường tổ chức thi”.
  • Để có Phiếu đăng ký dự thi sau đại học tại nước ngoài và một số gợi ý viết đề cương nghiên cứu sinh, thực tập sinh, thí sinh có thể liên hệ tại các trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi hoặc Văn phòng Ban Điều hành các Đề án đào tạo tại nước ngoài: Phòng 302, nhà B, Bộ Giáo dục & Đào tạo – 49 Đại Cồ Việt – Hà Nội. E-mail: bdh322@hn.vnn.vn  hoặc lấy trong mục Hồ sơ dự thi.
  • Điều kiện và yêu cầu của người dự tuyển đào tạo sau đại học:

Điều kiện chung:

Người tham gia dự tuyển có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khoẻ để học tập, cam kết sau khi kết thúc khoá đào tạo tại nước ngoài phải trở về phục vụ tại cơ sở đã cử đi học hoặc làm việc theo yêu cầu của Nhà nước.

Điều kiện dự thi:

  1. Đối với Tiến sĩ:
    • Đang làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (1 năm trở lên) tại các cơ quan hay doanh nghiệp Nhà nước.
    • Có ít nhất 24 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi (sau khi tốt nghiệp Đại học).
    • Có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí khoa học hoặc báo cáo tại một Hội nghị khoa học hay tham gia đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trở lên mà đề tài đó đã được nghiệm thu.
    • Có bằng Thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký đào tạo Tiến sĩ.
    • Có đề cương nghiên cứu chi tiết.
    • Tuổi dưới 40.
    • Được cơ quan đồng ý và có công văn cử đi dự thi.
  2. Đối với Thạc sĩ:
    • Đang làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (1 năm trở lên) tại các cơ quan hay doanh nghiệp Nhà nước.
    • Có đủ 12 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi kể từ ngày có Hợp đồng lao động (sau khi tốt nghiệp Đại học).
    • Có bằng Đại học phù hợp với ngành đăng ký đào tạo Thạc sĩ.
    • Tuổi dưới 35.
    • Được cơ quan đồng ý và có công văn cử đi dự thi.
  3. Đối với Thực tập sinh:
    • Đang làm việc trong biên chế tại cơ quan hay doanh nghiệp Nhà nước.
    • Có bằng tốt nghiệp Đại học trở lên.
    • Thông thạo ngoại ngữ sẽ sử dụng trong thực tập tại nước đăng ký đến học.
    • Có đề cương thực tập chi tiết.
    • Tuổi dưới 50.
    • Được cơ quan và cơ sở đào tạo sau đại học (nếu đang là nghiên cứu sinh trong nước) đồng ý và có công văn cử đi dự tuyển.

Các môn thi tuyển:

  • Đào tạo Tiến sĩ: thi môn chuyên ngành và bảo vệ đề cương.
  • Đào tạo Thạc sĩ thi hai môn: môn cơ bản của ngành, môn cơ sở chuyên ngành. Đối với ngành Y, Nghệ thuật có thể thi thêm môn chuyên ngành theo yêu cầu của Hội đồng thi.
  • Thực tập sinh: bảo vệ đề cương thực tập.

Đề cương các môn thi xin liên hệ với các Trường Đại học tổ chức thi.

Yêu cầu về ngoại ngữ:

  • Người dự tuyển đăng ký đi Pháp sẽ do Đại sứ quán Pháp tổ chức kiểm tra và bổ túc thêm tiếng Pháp.
  • Người dự tuyển đăng ký đi các nước còn lại do Bộ Giáo dục & Đào tạo kiểm tra (tiếng Anh sẽ kiểm tra TOEFL, các nước khác sẽ kiểm tra ngoại ngữ tương ứng trình độ C).
  • Trường hợp có chứng chỉ TOEFL 500 điểm hoặc IELTS 5.0 trở lên có thể không phải dự kiểm tra tiếng Anh (chứng chỉ TOEFL phải do Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ IIE cấp).

Trường hợp miễn thi ngoại ngữ:

  • Thí sinh tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài nay đăng ký học ở nước sử dụng ngôn ngữ đã học.
  • Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (TOEFL 550, IELTS 6.0 trở lên, DELF) còn thời hạn giá trị.